Giới thiệu

Trường Mầm Non ABC

Trường mầm non ABC
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhiệt tình, yêu thương trẻ, tận tụy với nghề và có trách nhiệm. Tất cả đều có năng lực, được đào tạo chuyên môn và phương pháp phù hợp để đáp ứng nhu cầu phát triển mỗi ngày của trẻ. Đội ngũ giáo viên nhà trường luôn có thái độ đúng mực, chân thành, hợp tác và...

Tin tức

THAY ĐỔI PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

( 10-11-2015 - 03:28 PM ) - Lượt xem: 2623

Xúc động sẻ chia

Sau những màn nhảy múa, hò hét, các trò chơi vui nhộn, các anh chị phụ trách cho gần 200 học sinh ngồi lại thành nhiều vòng tròn (theo nhóm), đặt vào giữa vòng tròn một ngọn đèn hoa đăng. Các ngọn đèn điện xung quanh được tắt hết. Giữa không gian yên lặng đó, những ca từ của bài hát “Gặp mẹ trong mơ” vang lên: “Này bầu trời rộng lớn ơi, có nghe chăng tiếng em gọi. Mẹ giờ này ở chốn nao, con đang mong nhớ về mẹ. Mẹ ở phương trời xa xôi, hay sao sáng trên bầu trời. Mẹ dịu hiền về với con nhé, con nhớ mẹ…”.

Khi các em học sinh đang chìm trong những ca từ xúc động ấy thì giọng nói trầm ấm, truyền cảm của thầy Phan Thành Hổ (giáo viên của Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam - SYC) vang lên: “Các em đang nghe một bài hát rất nổi tiếng. Đây là bài hát của một cậu bé người Mông Cổ hát về mẹ khi mẹ cậu bé đã mất. Trong đời, khi chúng ta mất đi một thứ gì đó thì chúng ta mới thấy nó quý giá vô cùng… Nhiều thứ mất đi chúng ta có thể có lại được nhưng có một thứ nếu không có hoặc mất đi, chúng ta sẽ không bao giờ tìm lại được. Đó là gia đình”. Thầy Hổ đã bắt đầu chuyên đề chia sẻ cảm xúc về tình yêu thương gia đình như thế.

Học sinh tham gia trò chơi, thông qua đó học được tinh thần đoàn kết, hòa nhập cùng bạn bè

Tiếp đó, thầy lấy rất nhiều ví dụ để giúp các em học sinh hiểu về giá trị của tình yêu thương gia đình. Thầy nói: “Các em hãy đến những trại mồ côi mà xem. Những đứa trẻ ở đó khi đọc báo thường cắt hình những người đàn ông và đàn bà trên báo rồi treo lên tường và bảo rằng: đó là cha mẹ của chúng. Khi thầy đến đó tặng quà, bọn trẻ xin thầy hãy tặng thêm cho chúng món quà khác. Thầy hỏi “con muốn quà gì?”, chúng trả lời là “chỉ cần thầy cho con gọi một tiếng là ba. Trong đời con, con thèm lắm một tiếng gọi ba như thế”… Vậy nhưng có nhiều em đang được sống trong sự bảo bọc, yêu thương của ba mẹ thì lại không biết trân trọng điều đó”.

Thầy Hổ nói tới đâu, những giọt nước mắt của học trò cũng lăn dài đến đó. Những cậu con trai mạnh mẽ thì gục đầu xuống gối, giấu giọt nước mắt, có cậu nước mắt rơi đến đâu thì đưa tay quệt vội đến đó. Những cô bé yếu đuối hơn thì để mặc cho nước mắt rơi, có cô bé thì khóc rấm rứt từ đầu đến cuối buổi chia sẻ cảm xúc, đến nỗi giáo viên chủ nhiệm và anh chị phụ trách của SYC phải lại gần an ủi, dỗ dành. tấm shera

Hiệu trưởng Trường TH - THCS Lê Quý Đôn Lê Thị Hằng chia sẻ: “Tôi tin chắc là trong những giọt nước mắt đã rơi của học trò có cả những giọt nước mắt hối hận, khi các em nghe câu chuyện thầy kể và nhận thấy những lỗi lầm của mình gây ra đã khiến cho cha mẹ buồn lòng”.

Sau chuyến đi, em Hồ Gia Bảo, học sinh lớp 6/1 tâm sự: “Em ấn tượng nhất câu chuyện về cô bạn lớp trưởng đã từ chối ngủ cùng mẹ khi mẹ bị bệnh vì mãi lo chuyện của lớp, cho đến đêm cuối cùng cô bạn ấy ngủ cùng mẹ thì cũng là đêm mẹ qua đời. Câu chuyện nhắc em nhớ lại cách đây 4 năm, khi mẹ bị gãy chân cũng gọi em vào ngủ chung nhưng em đã từ chối. Lúc nghe thầy Hổ kể chuyện, em ước gì mình được nghe câu chuyện này sớm hơn. Mẹ em hiện đang sống ở Mỹ. Sau chuyến đi, em đã gọi điện thoại cho mẹ và nói rằng: “Con xin lỗi mẹ vì tất cả những gì con đã làm sai với mẹ, mong mẹ bình yên và sống mãi với con”. Mẹ em đã rất xúc động khi nghe em nói như thế”.

Giúp giáo viên hiểu tâm lý học sinh hơn 

Cô Lưu Thị Hồng, giáo viên môn Ngữ văn chia sẻ: “Bản thân tôi là một giáo viên trẻ nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nắm bắt tâm lý học sinh. Qua chuyến đi này, tôi đã học được nhiều bài học về tâm lý của học sinh. Chuyến đi cũng giúp cô trò chúng tôi gần gũi nhau hơn. Điều này giúp cho tôi rất nhiều trong công tác giảng dạy”.

Cô Thái Thị Minh Tâm, giáo viên môn Tin học thì nhận xét: “Khi nghe nói chương trình ngoại khóa không chỉ đơn giản là vui chơi mà còn lồng ghép cả nội dung giáo dục kỹ năng sống, tôi đã rất nóng lòng đón chờ chương trình. Qua 2 ngày tham gia cùng học sinh, tôi thấy đây thực sự là chương trình bổ ích, không chỉ cho học sinh mà cho cả giáo viên chúng tôi”.

 Biết cách yêu thương

Sau khi chia sẻ, truyền cảm hứng về tình yêu thương gia đình, Ban tổ chức chương trình đã cho các học sinh ghi lại điều ước dành cho cha mẹ và cùng nguyện cầu cho gia đình. Kết thúc buổi chia sẻ cảm xúc, nhiều học sinh đã ngay lập tức có những hành động thể hiện tình yêu thương của mình đối với gia đình.

Em Nguyễn Vũ Phan An (lớp 6/1) đã vội vàng mượn điện thoại của cô giáo chủ nhiệm để gọi điện thoại về cho mẹ và nói trong tiếng khóc nghẹn ngào rằng: “Mẹ ơi! Con yêu mẹ”. Xa con trong một ngày, chị Thắm không khỏi lo lắng, hồi hộp khi nghe con gọi về nói như thế.

Các học sinh cầu nguyện cho cha mẹ và đọng lại những giọt nước mắt xúc động

“Lúc đó đã là 10 giờ đêm, khi nghe con gọi về vừa nói vừa khóc như vậy tôi đã rất lo lắng, phải gọi điện thoại lại để hỏi cô giáo chủ nhiệm. Khi biết rõ đầu đuôi câu chuyện, tôi thật sự rất vui. Tôi biết rằng, khi con mình chịu nói với mẹ lời yêu thương ở lứa tuổi này nghĩa là bài học đã thực sự “thấm” vào trong tâm tưởng của con. Từ hôm đi về đến giờ, tôi để ý thấy con gần gũi với mẹ hơn, “biết điều” với mẹ hơn chứ không bướng bỉnh như trước nữa. Tôi rất hài lòng khi chuyến đi ngắn này đã làm cho con tôi thay đổi được nhiều điều”, chị Thắm vui vẻ kể.

Chuyến đi này cũng đã làm em Phạm Phương Nhi (lớp 6/7) có nhiều điều thay đổi. Em nói rằng: “Khi nghe thầy Hổ giảng giải, em đã hiểu được những vất vả, khó nhọc của ba mẹ, em cũng thấy rằng mình có nhiều hành động chưa tốt với ba mẹ nên sẽ cố gắng thay đổi chính mình để ba mẹ vui lòng”.

Chị Đặng Quỳnh Lan, phụ huynh em Phương Nhi cho biết: “Sau khi con đi chơi về, tôi cũng trò chuyện cùng cháu để tìm hiểu về nội dung chương trình và được nghe cháu khen ngợi chủ đề chia sẻ cảm xúc này rất nhiều. Tôi thấy rằng chỉ 2 ngày ngắn ngủi nhưng con tôi đã học được nhiều điều bổ ích. Những bài học này là do cháu rút ra từ chính việc sinh hoạt, vui chơi với bạn bè. Điều đó khó có thể có được trong môi trường giáo dục thông thường ở nhà trường”.

Chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Trong hai ngày 9 và 10-4, Trường TH - THCS Lê Quý Đôn (thuộc hệ thống giáo dục Toàn Thịnh Phát) đã tổ chức cho gần 200 học sinh khối 6 tham gia chương trình ngoại khóa kỹ năng sống. Trước đó, học sinh Trường quốc tế APC và gần 200 học sinh khối tiểu học của Trường TH - THCS Lê Quý Đôn cũng đã tham gia chương trình này. Đây là những hoạt động nhằm trang bị các kỹ năng sống cần thiết cho học sinh ở lứa tuổi này như: đoàn kết, tự lập, biết phối hợp trong tập thể, biết chia sẻ, chan hòa, yêu thương những người xung quanh và quý trọng tình cảm gia đình.

Tổng giám đốc Công ty giáo dục Toàn Thịnh Phát Lê Thị Mỹ Hằng cho biết: “Hiện nay, các em học sinh có rất ít cơ hội được va chạm với cuộc sống vì được cha mẹ bao bọc quá kỹ. Trong khi đó, đa số phụ huynh lại có ít thời gian để dạy trẻ những kỹ năng cần thiết để hòa nhập vào cuộc sống. Vì thế, các trường thuộc hệ thống giáo dục Toàn Thịnh Phát muốn bổ sung điểm khiếm khuyết này cho học sinh của mình bằng cách chú trọng phát triển kỹ năng sống cho học sinh dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng tôi muốn là những người chỉ đường cho các em đi hơn là dẫn các em đi, để các em tự phát huy được những năng lực tích cực của bản thân mình”.

Để có thể tổ chức được những chương trình ngoại khóa này, các trường, các giáo viên đã phải kiên trì thuyết phục phụ huynh. Nhiều phụ huynh không yên tâm khi để con đi xa nhà và ngủ lại qua đêm khi không có cha mẹ ở bên cạnh. Vì vậy, cũng có nhiều phụ huynh không đồng ý cho con tham gia chương trình ngoại khóa.

Tuy nhiên, sau chuyến đi, các trường thuộc hệ thống giáo dục Toàn Thịnh Phát đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía học sinh và phụ huynh có con tham gia chương trình. Vì vậy, trong thời gian tới, hệ thống giáo dục Toàn Thịnh Phát sẽ phối hợp với SYC để tổ chức thêm nhiều chương trình hoạt động ngoại khóa kỹ năng sống nữa.

Bà Mỹ Hằng cho hay: “Chúng tôi đã đặt hàng SYC viết riêng chương trình cho các trường của hệ thống Toàn Thịnh Phát. Để thuận lợi cho công tác tổ chức và thêm nhiều học sinh có cơ hội tham gia chương trình này hơn, chúng tôi sẽ phối hợp với SYC tổ chức các chương trình sinh hoạt ngoại khóa ngay tại các cơ sở của chúng tôi. Điều này cũng sẽ giúp phụ huynh an tâm hơn”.